Giấy phép môi trường là 01 loại văn bản pháp lý mới được quy định tại Luật bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022.
(Định nghĩa được quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật bảo vệ môi trường)
Đối tượng thực hiện:
+ Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải.
+ Dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.
(Danh mục dự án đầu tư nhóm I, II, III được quy định tại phụ lục III, IV, V Nghị định 08/2022/NĐ-CP)
Thời điểm cấp giấy phép môi trường:
+ Dự án thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải;
+ Dự án không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định tại điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 36 của Luật Bảo vệ môi trường. Trường hợp dự án không thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi thì phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng.
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/01/2022) phải có giấy phép môi trường trước ngày 01/01/2025, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả thải vào nguồn nước, giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi (sau đây gọi chung là giấy phép môi trường thành phần). Giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như giấy phép môi trường đến hết thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường không xác định thời hạn.
- Trường hợp dự án được thực hiện theo nhiều giai đoạn, có nhiều công trình, hạng mục công trình thì giấy phép môi trường có thể cấp cho từng giai đoạn, công trình, hạng mục công trình có phát sinh chất thải.
- Trường hợp có thay đổi tên dự án hoặc chủ dự án thì chủ dự án có trách nhiệm tiếp tục thực hiện giấy phép môi trường và thông báo cho cơ quan cấp giấy phép môi trường biết để được cấp đổi giấy phép.
Thời điểm nộp hồ sơ:
+ Trường hợp thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, nộp hồ sơ sau khi đã hoàn thành công trình xử lý chất thải cho toàn bộ dự án hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án;
+ Trường hợp không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ sau khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định, để bảo đảm thời điểm phải có giấy phép môi trường theo quy định nêu trên.
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào vận hành thì chủ cơ sở tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ để đảm bảo thời điểm phải có giấy phép môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhưng chậm nhất trước 45 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp Bộ, trước 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện tính đến thời điểm phải có giấy phép môi trường.